GÁC VĂN

23/04/2010

RỒI NÓ SẼ RA SAO – DANIELA FISCHEROVA

Filed under: KỊCH — nguyenthanhhien21 @ 11:11

 

 người dịch : Phan Quỳnh Trâm

Nhân vật:
Người ngoài hành tinh
Tôi
 
Tôi đang ngồi ở bàn máy vi tính để viết một vở kịch dài một phút. Một người ngoài hành tinh ngồi trong dĩa bay phóng vút vào khung cửa sổ để ngỏ. Nhờ thiết bị phiên dịch trong đầu hắn mà tiếng vo vo đều đều của hắn được chuyển thành một chuỗi những câu nói trọn vẹn. Để có thể nói tất cả mọi thứ trong vòng vừa vặn một phút, hắn phải nói rất nhanh, thỉnh thoảng giống như hơi lắp bắp.

 

Người ngoài hành tinh: Này bạn! Bạn có phải là nhà văn không?

Tôi (lúng túng): Ờ hớ.

Người ngoài hành tinh: Tôi đến đây để cho bạn biết rằng công việc viết văn đã bị xoá sổ.

Tôi: Là sao? Tại sao như vậy được?

Người ngoài hành tinh: Cốt truyện là kiểu tư tưởng duy nhất muốn biết sự việc sẽ kết thúc như thế nào. Đó là một tư tưởng phá hoại! Sự sống, thật đáng tiếc, không bao giờ kết thúc. Nó sẽ không cáo chung và không có một kết cuộc cụ thể, cũng như sẽ không bao giờ tiết lộ bất cứ một ý nghĩa thực sự nào. Giữa bạn và tôi, nó không có nghĩa gì cả. Trong cả vũ trụ không ai chia sẻ mối bận tâm của bạn về ý nghĩa của sự sống. Ít nhất là cho đến lúc này! Và chúng ta không nên liều lĩnh để cho ý nghĩ điên khùng ấy được lan rộng.

Tôi: Vậy thì điều gì sẽ xảy đến với chúng tôi?

Người ngoài hành tinh: Tiến trình đã khởi sự. Chúng tôi mới chỉ xoá sạch tất cả đoạn kết của mọi câu chuyện. Tất cả những gì còn lại sẽ chỉ là những giai thoại vô nghĩa khiến người ta bực dọc, những câu chuyện trinh thám mà kẻ sát nhân sẽ không bao giờ được tiết lộ, những bi kịch không có bất cứ sự thanh tẩy cảm xúc nào cả, những chuyện tình mùi mẫn sẽ không bao giờ có một kết thúc có hậu. Câu hỏi về ý nghĩa của câu chuyện sẽ không còn nghĩa lý gì nữa. Kết quả là bạn sẽ mau chóng từ bỏ chuyện viết lách.

Tôi: Rồi sao nữa?

Người ngoài hành tinh: (phá lên cười một cách độc ác) Rồi sẽ đến phần chính! Ly kỳ thú vị lắm, bạn không biết sao? Bởi vì khi đó —

———-
Dịch từ bản tiếng Anh “How It Will Turn Out” của G.S, Evans, trên Cafe Irreal, Issue Thirty-Two (November 1, 2009).

 nguon:tienve.org

20/04/2010

MÀN KỊCH KHÔNG LỜI II – SAMUEL BACKETT

Filed under: KỊCH — nguyenthanhhien21 @ 21:20

 

người dịch : Hoàng Ngọc Biên

hai nhân vật và một cây nhọn

Màn kịch câm này diễn ra ở cuối sân khấu trên một bục phẳng dựng từ bên này hậu trường sang bên kia hậu trường và được chiếu sáng rực rỡ suốt cả chiều dài.

Trong hai nhân vật, nhân vật thứ nhất A chậm chạp và vụng về (trò cương khi hắn mặc quần áo và cởi quần áo), nhân vật thứ hai B tinh xác và lanh lẹ. Do đó hai động tác, mặc dù B phải làm nhiều hơn A, kéo dài gần như cùng một thời gian.

DIỄN LƯỢC:

Ở dưới đất, bên cạnh nhau cách hậu trường bên phải hai thước (bên phải đối với khán giả), hai cái túi, túi của A và túi của B, cái của A ở bên phải cái của B, nghĩa là gần hậu trường. Bên cạnh túi B là một đống áo quần nhỏ (C) xếp cẩn thận (áo veste và quần ở trên có một cái mũ và một đôi giày).

Cây nhọn bước ra sân khấu bên phải, nằm ngang song song với mặt sân khấu. Mũi nhọn bất động cách túi A ba mươi phân. Một lát. Mũi nhọn thụt lùi, bất động một lúc, cắm vào trong cái túi, tự rút ra, về chỗ cũ cách cái túi ba mươi phân. Một lát. Cái túi không nhúc nhích. Mũi nhọn lại lùi lại, lùi xa hơn lần đầu một tí, bất động một lúc, lại cắm vào trong cái túi, tự rút ra, về chỗ cũ cách cái túi ba mươi phân. Một lát. Cái túi nhúc nhích. Cây nhọn đi vào.

A, mặc một chiếc áo sơ mi, từ trong cái túi chống hai tay hai chân bò ra, bất động, mơ màng, chấp hai tay, cầu nguyện, mơ màng, đứng dậy, mơ màng, rút từ trong túi áo ra một cái chai nhỏ đựng những viên thuốc, mơ màng, nuốt một viên, đút cái chai nhỏ vào, mơ màng, bước đến đống áo quần nhỏ, mơ màng, mặc áo quần, mơ màng, rút từ trong túi áo veste một củ cà rốt lớn đã bị cắn mất ở đầu, gặm củ cà rốt, nhai rất mau, nhổ ra với một vẻ ghê tởm, đút củ cà rốt vô túi, mơ màng, nhặt hai cái túi và mang lên người, loạng choạng dưới sức nặng, chính giữa bục phẳng, đặt hai cái túi xuống, mơ màng, cởi áo quần ra (nhưng giữ chiếc sơ mi lại), ném áo quần xuống đất bất cứ như thế nào cũng được, mơ màng, lại lôi ra cái chai nhỏ, nuốt một viên thuốc khác, mơ màng, quỳ xuống, cầu nguyện, chống hai tay hai chân bò vào lại trong cái túi và bất động. Cái túi A bây giờ ở bên trái túi B.

Một lát.

Cây nhọn bước ra sân khấu, đặt trên một cái đế có những bánh xe lớn. Mũi nhọn bất động cách túi B ba mươi phân. Một lát. Mũi nhọn thụt lùi, bất động một lúc, cắm vào trong cái túi, tự rút ra, về chỗ cũ cách cái túi ba mươi phân. Một lát. Cái túi nhúc nhích. Cây nhọn đi vào.

B, mặc một chiếc sơ mi, từ trong cái túi chống hai tay hai chân bò ra, đứng dậy, rút từ trong túi áo sơ mi ra một cái đồng hồ lớn, xem đồng hồ, đút nó vào lại trong túi, làm một vài động tác thể dục, lại xem đồng hồ, rút từ trong túi ra một cái bàn chải đánh răng và đánh răng thật mạnh, đút bàn chải vào lại, xem đồng hồ, chà mạnh vào da đầu, rút từ trong túi ra một cái lược và chải đầu, đút lược vào lại, xem đồng hồ, bước đến chỗ áo quần, mặc áo quần vào, xem đồng hồ, rút từ trong túi áo veste ra một bàn chải áo quần và chải thật mạnh lên áo quần, bỏ nón ra, chải thật mạnh lên tóc, đội nón lên lại, đút bàn chải vô túi, xem đồng hồ, rút củ cà rốt từ trong túi áo veste ra, gặm củ cà rốt, nhai và nuốt một cách ngon lành, đút củ cà rốt vào lại, xem đồng hồ, rút bản đồ quốc gia từ trong túi áo veste ra, xem bản đồ, đút nó vào lại trong túi, xem đồng hồ, rút từ trong túi áo veste ra một cái la bàn và xem la bàn, đút la bàn vào lại, xem đồng hồ, nhặt hai cái túi và mang lên người, vừa loạng choạng dưới sức nặng, cách hậu trường bên trái hai thước, đặt túi xuống, xem đồng hồ, cởi áo quần ra (nhưng giữ chiếc sơ mi lại), đem áo quần xếp lại thành một đống nhỏ giống hệt như lúc đầu, xem đồng hồ, lấy tay chà vào da đầu, chải đầu, xem đồng hồ, đánh răng, xem và lên giây đồng hồ, chống hai tay hai chân bò vào lại trong cái túi và bất động. Cái túi B bây giờ lại ở bên trái túi A như lúc đầu.

Một lát.

Cây nhọn bước ra sân khấu, đặt trên một cái đế đầu tiên có bánh xe theo sau một khoảng cách là một cái đế thứ hai giống hệt. Mũi nhọn bất động cách túi A ba mươi phân. Một lát. Mũi nhọn thụt lùi, bất động một lúc, cắm vào trong cái túi, tự rút ra, về chỗ cũ cách cái túi ba mươi phân. Một lát. Cái túi không nhúc nhích. Cây nhọn đi vào. Mũi nhọn lại lùi lại, lùi xa hơn lần đầu một tí, bất động một lúc, lại cắm vào trong cái túi, tự rút ra, về chỗ cũ cách cái túi ba mươi phân. Một lát. Cái túi nhúc nhích. Cây nhọn đi vào.

A chống hai tay hai chân bò ra khỏi cái túi, bất động, chắp hai tay, cầu nguyện.

HẠ MÀN

 
 
———–
Ghi chú của Tiền Vệ:
Nguyên tác Pháp ngữ, Acte sans Paroles II, in lần đầu trong Dramatische Dichtungen, Band I (Frankfurt: Suhrkamp Verlag 1963); in lại trong tập Comédie et Actes Divers (Paris: Editions de minuit 1966; tái bản 1972; 1990), bản Anh ngữ do chính Beckett dịch: Act Without Words II, in trong Eh Joe and Other Writings (London: Faber 1967).
nguon:tienve.org

MÀN KỊCH KHÔNG LỜI I – SAMUEL BACKETT

Filed under: KỊCH — nguyenthanhhien21 @ 21:16

 người dịch :Hoàng Ngọc Biên

NHÂN VẬT:

Một người đàn ông. Cử động quen thuộc: gấp chiếc khăn tay lại rồi mở ra.

SÂN KHẤU:

Trống không. Đèn chiếu sáng chói.

ĐỘNG TÁC:

Bị đẩy bước lùi ra sân khấu từ hậu trường bên phải, người đàn ông sẩy chân, té xuống, đứng dậy ngay tức khắc, phủi bụi, suy nghĩ.

Tiếng còi huýt ở hậu trường bên phải.

Hắn suy nghĩ, đi ra phía bên phải.

Bị đẩy ra sân khấu ngay liền lúc đó, hắn sẩy chân, té xuống, đứng dậy ngay tức khắc, phủi bụi, suy nghĩ.

Tiếng còi huýt ở hậu trường bên trái.

Hắn suy nghĩ, đi ra phía bên trái.

Bị đẩy ra sân khấu ngay liền lúc đó, hắn sẩy chân, té xuống, đứng dậy ngay tức khắc, phủi bụi, suy nghĩ.

Tiếng còi huýt ở hậu trường bên trái.

Hắn suy nghĩ, đi về phía hậu trường bên trái, dừng lại trước khi đến tới hậu trường, nhảy lùi về phía sau, sẩy chân, té xuống, đứng dậy ngay tức khắc, phủi bụi, suy nghĩ.

Một cái cây nhỏ từ trên vòm sân khấu hạ xuống đất. Một cành độc nhất cách mặt đất ba thước và trên đỉnh có một chòm lá thốt nốt lưa thưa chiếu xuống một bóng mát mong manh.

Hắn vẫn suy nghĩ.

Tiếng còi huýt ở trên cao.

Hắn quay người lại, trông thấy cái cây, suy nghĩ, tiến lại phía cây, ngồi xuống chỗ bóng mát, nhìn hai bàn tay.

Một cái kéo thợ may từ trên vòm sân khấu thả xuống, bất động trước cây, cách mặt đất một thước.

Hắn vẫn nhìn hai bàn tay.

Tiếng còi huýt ở trên cao.

Hắn ngẩng đầu lên, trông thấy cái kéo, suy nghĩ, lấy kéo và bắt đầu cắt móng tay.

Những chiếc lá thốt nốt rũ xuống trên thân cây, bóng mát biến mất.

Hắn bỏ kéo ra, suy nghĩ.

Một cái bình nhỏ, có treo một nhãn hiệu lớn và cứng mang chữ NƯỚC, từ trên vòm sân khấu thả xuống, bất động cách mặt đất ba thước.

Hắn vẫn suy nghĩ.

Tiếng còi huýt ở trên cao.

Hắn ngước mắt lên, trông thấy cái bình, suy nghĩ, đứng dậy, đi đến ngay dưới cái bình, thử với tay lấy nhưng vô hiệu, quay ra chỗ khác, suy nghĩ.

Một cái thùng vuông lớn từ trên vòm sân khấu hạ xuống đất.

Hắn vẫn suy nghĩ.

Tiếng còi huýt ở trên cao.

Hắn quay người lại, trông thấy cái thùng, nhìn thùng, nhìn cái bình, lấy thùng vuông đặt ngay dưới cái bình, thấy thùng đứng vững, bước lên, thử với tay lấy cái bình nhưng vô hiệu, bước xuống, đem thùng trở về chỗ cũ, quay ra chỗ khác, suy nghĩ.

Một cái thùng vuông thứ nhì nhỏ hơn từ trên vòm sân khấu hạ xuống đất.

Hắn vẫn suy nghĩ.

Tiếng còi huýt ở trên cao.

Hắn quay người lại, thấy cái thùng thứ nhì, nhìn thùng, đem đặt ngay dưới cái bình, thấy thùng đứng vững, bước lên, thử với tay lấy cái bình nhưng vô hiệu, bước xuống, muốn đem thùng trở về chỗ cũ, đổi ý, đặt nó xuống, đến tìm cái thùng vuông lớn, đặt nó lên thùng nhỏ, thấy thùng đứng vững, bước lên, thùng lớn trượt, hắn té xuống, đứng dậy ngay tức khắc, phủi bụi, suy nghĩ.

Hắn lấy thùng nhỏ đặt lên thùng lớn, thấy thùng đứng vững, bước lên và sắp với tới bình thì cái bình lại lên cao một tí và đứng bất động khỏi tầm tay.

Hắn bước xuống, suy nghĩ, đem những thùng vuông về chỗ cũ, hết thùng này đến thùng kia, quay ra chỗ khác, suy nghĩ.

Một cái thùng vuông thứ ba còn nhỏ hơn nữa từ trên vòm sân khấu hạ xuống đất.

Hắn vẫn suy nghĩ.

Tiếng còi huýt ở trên cao.

Hắn quay người lại, thấy cái thùng thứ ba, nhìn thùng, suy nghĩ, quay ra chỗ khác, suy nghĩ.

Thùng vuông thứ ba lên cao trở lại và biến mất trên vòm sân khấu.

Bên cạnh cái bình, một sợi dây có thắt gút từ trên vòm sân khấu thả xuống, bất động cách mặt đất một thước.

Hắn vẫn suy nghĩ.

Tiếng còi huýt ở trên cao.

Hắn quay người lại, trông thấy sợi dây, suy nghĩ, leo lên sợi dây và sắp với tới cái bình thì sợi dây dãn ra và đưa hắn trở xuống đất.

Hắn quay ra chỗ khác, suy nghĩ, đưa mắt tìm cái kéo, thấy kéo, đến nhặt lên, quay trở về phía sợi dây và định cắt.

Sợi dây căng ra và nhấc bổng hắn lên, hắn vẫn bám vào, cắt xong sợi dây, hắn rớt xuống, bỏ kéo ra, té xuống, đứng dậy ngay tức khắc, phủi bụi, suy nghĩ.

Sợi dây lên cao trở lại rất nhanh và biến mất trên vòm sân khấu.

Với đầu dây hắn thắt một sợi dây thòng mà hắn dùng để cố thử lấy được cái bình.

Cái bình lên cao trở lại rất nhanh và biến mất trên vòm sân khấu.

Cầm sợi dây thòng trong tay, hắn đi về phía cây, nhìn cành, quay người lại, nhìn những cái thùng vuông, lại nhìn cành cây, bỏ sợi dây thòng ra, đi về phía những cái thùng vuông, lấy thùng nhỏ và đem nó để dưới cành cây, trở lại lấy thùng lớn và đem nó để dưới cành cây, muốn đặt thùng lớn lên thùng nhỏ, đổi ý, đặt thùng nhỏ lên thùng lớn, thấy thùng đứng vững, nhìn cành cây, quay ra chỗ khác và cúi xuống để lấy lại sợi dây thòng.

Cành cây rũ xuống dài theo thân cây.

Hắn đứng thẳng dậy, tay cầm sợi dây thòng, quay người lại, nghiệm ra.

Hắn quay ra chỗ khác, suy nghĩ.

Hắn đem những cái thùng vuông trở về chỗ cũ, hết thùng này đến thùng kia, cẩn thận cuốn sợi dây thòng lại và để lên cái thùng nhỏ.

Hắn quay ra chỗ khác, suy nghĩ.

Tiếng còi huýt ở hậu trường bên phải.

Bị đẩy ra sân khấu ngay liền lúc đó, hắn sẩy chân, té xuống, đứng dậy ngay tức khắc, phủi bụi, suy nghĩ.

Tiếng còi huýt ở hậu trường bên trái.

Hắn nhìn hai bàn tay, đưa mắt tìm cái kéo, thấy kéo, đến nhặt lên, bắt đầu cắt móng tay, ngừng lại, suy nghĩ, đưa ngón tay vuốt lưỡi kéo, lấy chiếc khăn tay chùi lưỡi dao, đi đến để cả kéo lẫn khăn tay lên cái thùng nhỏ, quay ra chỗ khác, mở cổ áo, đưa cổ ra và sờ sờ vào nó.

Cái thùng nhỏ lên cao trở lại và biến mất trên vòm sân khấu mang theo nó sợi dây thòng, kéo và khăn tay.

Hắn quay người lấy lại kéo, nghiệm ra, ngồi lên cái thùng lớn.

Thùng lớn lay động, hất hắn xuống đất, lên cao trở lại và biến mất trên vòm sân khấu.

Hắn vẫn cứ nằm dài nghiêng một bên hông, đối diện với khán giả, mắt nhìn đăm đăm.

Cái bình hạ xuống, bất động cách người hắn nửa thước.

Hắn không nhúc nhích.

Tiếng còi huýt ở trên cao.

Hắn không nhúc nhích.

Cái bình lại xuống nữa, chạy lủng lẳng chung quanh mặt hắn.

Hắn không nhúc nhích.

Cái bình lên cao trở lại và biến mất trên vòm sân khấu.

Cành cây lại chỗi dậy, lá cây lại mở ra, bóng mát lại trở về.

Tiếng còi huýt ở trên cao.

Hắn không nhúc nhích.

Cây lên cao trở lại và biến mất trên vòm sân khấu.

Hắn nhìn hai bàn tay.

MÀN HẠ

 nguon:tienve.org

THỞ – SAMUL BACKETT

Filed under: KỊCH — nguyenthanhhien21 @ 21:10

người dịch : Hoàng Ngọc Tuấn 

MỞ MÀN

1. Ánh sáng nhạt trên một sân khấu ngổn ngang đủ thứ rác rưởi. Giữ chừng năm giây.

2. Một tiếng kêu ngắn và yếu ớt và lập tức một tiếng hít hơi và ánh sáng tăng dần đến tối đa; tất cả diễn ra trong chừng mười giây. Im lặng và giữ chừng năm giây.

3. Một tiếng thở ra và ánh sáng giảm dần đến tối thiểu (như ở đoạn 1) tất cả diễn ra trong chừng mười giây và lập tức một tiếng kêu như lần trước. Im lặng và giữ chừng năm giây.

HẠ MÀN

RÁC
Không có thứ gì đứng thẳng lên, tất cả đều bị vất nằm ngổn ngang bừa bãi.
TIẾNG KÊU
Một mảnh tiếng kêu của trẻ sơ sinh được thu âm sẵn. Điều quan trọng là hai lần kêu phải hoàn toàn giống nhau; việc bật và tắt máy phát âm phải xảy ra ăn khớp với ánh sáng và hơi thở.
HƠI THỞ
Thu âm sẵn và khuếch đại.
ÁNH SÁNG TỐI ĐA
Không sáng rực. Nếu 0 = tối, và 10 = sáng rực, thì ánh sáng nên tăng dần từ khoảng 3 đến 6 và giảm xuống trở lại.

 nguồn:tienve.org

ĐOẠN KỊCH NHÁP I – SAMUEL BACKETT

Filed under: KỊCH — nguyenthanhhien21 @ 21:07
Samuel Beckett sinh ngày 13 tháng 4 năm 1906 ở Dublin, Ái nhĩ lan. Sau thời gian học ở Portora Royal School và Trinity College (Dublin), ông ra trường với bằng Master of Arts, dạy Anh ngữ ở trường Cao đẳng sư phạm Paris (1928-1931) và Đại học Dublin (1931). Năm sau ông từ chức và sống bốn năm lang thang ở Anh, Đức và Pháp. Cuối 1937 ông sống một thời gian ngắn ở Paris, trong một căn nhà tồi tàn riêng biệt ỏ khu Montparnasse. Lần thứ hai qua Pháp (1940) ông bị kẹt lại vì tình hình chiến sự. Năm 1941 ông tham gia Kháng chiến cùng một người bạn cũ ở Cao đẳng sư phạm, và qua năm sau phải trở về lánh nạn ỏ Vaucluse. Ba năm sau đó ông phục vự trong Hồng thập tự Anh, rồi tiếp tục sống rất lẻ loi ở Paris cho đến năm 1949, khi ông cưới vợ và kết thân với những nhà văn siêu thực, các nhạc sĩ và họa sĩ ở thủ đô nước Pháp. Bắt đầu viết từ 1945, vở kịch đầu tiên của ông, En attendant Godot, diễn lần đầu tiên trên sân khấu Babylone ngày 3.1.1953, là một thành công lớn và làm ông nổi tiếng khắp thế giới. Nhưng ông vẫn sống “trốn tránh” xã hội và chỉ lui tới trong vòng những bạn bè thân thiết. Là người ít nói, ông không thích những cuộc bàn cãi văn chương. Thỉnh thoảng (và rất ít khi) ông chịu nhận trả lời phỏng vấn, rồi sau đó tiếp tục… im lặng. Gần như toàn bộ tác phẩm của Samuel Beckett đều được viết trước tiên bằng tiếng Pháp, rồi sau đó chính ông viết một bản khác bằng (hoặc dịch qua) tiếng Anh – hay ngược lại, trừ một vài trường hợp đặc biệt như kịch All That Fall, với bản Pháp ngữ Tous ceux qui tombent của Robert Pinget. Ông được trao Giải Nobel Văn chương năm 1969. Danh sách tác phẩm của ông dài, ghi ra cuốn này thi tội cho cuốn kia, nên chúng tôi xin được để dành toàn bộ sự tò mò cho người đọc. Samuel Beckett mất ngày 22 tháng 12 năm 1989, để lại trong lòng người đọc ông những sự thương tiếc… im lặng.
        Beckett thường được coi là một bậc thầy viết ngắn (minimalist master) một phần là do nhiều vở kịch ngắn hoặc cực ngắn (playlets), hoặc kịch câm của ông, viết để trình diễn sân khấu, hoặc truyền thanh, truyền hình – những màn kịch trong đó thường khi ông đem đời sống, nhận thức và cả chuyện viết lách thu nhỏ và gói gọn vào một nội dung dày đặc thân phận hẩm hiu, khắc nghiệt, mệt mỏi, vô vọng của con người. Cái giới hạn chữ nghĩa của ông, như thế, mở ra cái mênh mông bị dồn ép của đời sống.
        Đoạn kịch nháp I dịch từ nguyên bản tiếng Pháp Fragment de théâtre I in trong tập kịch Pas – suivi de quatre esquisses*[*] là một trong những thí dụ tiêu biểu của đoản kịch Beckett.
Hoàng Ngọc Biên

_________

[*]Les Éditions de Minuit, Paris, 1978. Bản tiếng Pháp Beckett ghi viết vào những năm 60, nhưng về sau được phát hiện là cuối những năm 50; bản tiếng Anh Rough for Theatre I xuất bản lần đầu ở Nhà Grove Press, 1976)

 

Góc phố. Vôi gạch đổ nát.

A, mù, ngồi trên một chiếc ghế xếp, cò cưa cây vĩ cầm. Bên cạnh hắn là cái hộp mở lưng chừng, để đứng, đặt trên nó là một cái bát gỗ.

A ngừng cò cưa, quay đầu về phía hậu trường bên phải, lắng nghe.

Một lát.

A. – Xin rủ lòng thương, xin rủ lòng thương kẻ tội nghiệp này.

Một lát. A lại bắt đầu cò cưa. Hắn lại ngưng lần nữa, quay đầu về phía hậu trường bên phải, lắng nghe.

B đi vào, ngồi trên một chiếc ghế tay dựa có bánh xe mà hắn dùng một cây sào để đẩy tới.

A (nổi cáu). – Xin rủ lòng thương!

Một lát.

B. – Nhạc lên nào! (Một lát.) Vậy ra đây chẳng phải là nằm mơ. Thế! Cũng chẳng phải ảo giác, mấy bà câm hết, và ta ta cũng câm luôn, trước mấy bả. (Hắn tiến tới, ngừng lại, nhìn vào cái bát gỗ. Không xúc động.) Tội chưa. (Hắn đưa bàn tay huơ trước mắt của A. Cứ huơ tay như thế.) Tội chưa. (Một lát.) Bây giờ ta có thể đi về rồi, chẳng có gì bí ẩn. (Hắn lùi lại, ngừng hẳn.) Trừ phi cùng đứng với nhau, và cùng sống với nhau, cho tới chết. (Một lát.) Anh bảo sao về chuyện ấy, Billy, ta có thể gọi anh là Billy, như con trai ta? (Một lát.) Anh thích có bạn bên cạnh không, Billy? (Một lát.) Anh có thích đồ hộp không, Billy?

A. – Đồ hộp gì?

B. – Thì là thịt bò muối, Billy, chỉ thế thôi. Cho có cái gì chịu được đến mùa hè, và phải cẩn thận. (Một lát.) Không thích? (Một lát.) Và thêm vài củ khoai nữa, hai kilô, ba kilô (Một lát.) Anh có thích khoai không, Billy? (Một lát.) Ta chỉ cứ việc để cho chúng nẩy mầm, thế rồi, đúng vào lúc thuận lợi, đem chúng chôn xuống đất, thử xem sao. (Một lát.) Không à? (Một lát.) Ta ta sẽ chọn chỗ và anh anh sẽ chôn chúng xuống đất. (Một lát.) Không à?

Một lát.

A. – Cây cối đang làm gì đấy?

B. – Khó nói lắm. Bây giờ là mùa đông, anh biết đấy.

Một lát.

A. – Ban ngày hay ban đêm?

B. – Ô… (hắn nhìn lên trời)… ban ngày, có thể nói thế. Không có nắng là cái chắc, nếu có thì anh đã chẳng hỏi làm gì. (Một lát.) Anh vẫn theo dõi kiểu tôi lý luận đấy chứ? (Một lát.) Anh có còn tỉnh táo không đấy Billy, anh vẫn còn chút xíu tỉnh táo đấy chứ gì?

A. – Thế nhưng trời sáng chứ?

B. – Vâng. (Hắn nhìn lên trời.) Vâng có sáng, không có chữ nào khác. (Một lát.) Ta có phải tả ánh sáng cho anh? (Một lát.) Ta có phải cho anh một ý niệm về nó, về cái ánh sáng ấy?

A. – Đôi khi ta thấy như là ta suốt đêm ở đây chơi, và lắng nghe. Ngày xưa ta còn cảm nhận được đêm xuống và lo sửa soạn. Ta sắp xếp cây vĩ cầm của ta và cái bát gỗ của ta và chỉ cần mỗi chuyện là đứng lên, khi nàng nắm tay ta.

Một lát.

B. – Nàng?

A. – Thì là vợ ta. (Một lát.) Một người đàn bà. (Một lát.) Thế mà giờ đây…

Một lát.

B. – Giờ đây?

A. – Khi ta đi ta không biết, và khi ta đến ta cũng chẳng hay, khi đã đến nơi ta cũng không biết, là lúc bấy giờ là ban ngay hay ban đêm.

B. – Ngày xưa anh đâu có như thế. Anh bị cái gì thế? Phụ nữ? Bài bạc? Thượng đế?

A. – Xưa nay ta vẫn thế.

B. – Thôi nào!

A (hung hăng). – Xưa nay ta vẫn thế. Ngồi xổm trong tối, cò cưa một điệu hát nhàm tai cũ rích rải ra khắp nơi!

B (hung hăng). – Chúng ta từng có vợ, không thế sao? Anh thì có vợ anh để cầm tay dẫn anh đi và ta thì có vợ ta để tối đến đưa ta ra khỏi cái ghế có tay dựa và để sáng hôm sau lại đặt ta lên cái ghế ấy và để đẩy ta đến tận góc đường khi ta nổi điên. Không thế sao?

A. – Què? (Một lát. Không xúc động.) Khổ thân.

B. – Chỉ có mỗi vấn đề: lúc trở về.Thường thường ta vẫn thấy như là trong khi ta vùng vẫy, cứ hướng thẳng mà tiến tới để làm một vòng quanh thế giới, thì ta đi nhanh hơn. Cho đến ngày ta hiểu ra là ta có thể trở lại bằng cách đi thụt lùi. (Một lát.) Chẳng hạn, ta ở điểm A. (Hắn đi tới một chút, rồi ngừng lại.) Ta đi tới tận điểm B. (Hắn đi lùi một chút.) Và ta trở về A. (Hăm hở.) Đường thẳng! Khoảng không trống toác. (Một lát.) Ta bắt đầu làm anh xúc động?

A. – Đôi khi ta nghe những tiếng bước chân. Những tiếng nói. Ta tự bảo, Chúng nó trở về đấy, có mấy đứa trở về, thử tìm cách về ở chỗ cũ, hoặc tìm một cái gì đã để quên, hoặc tìm một người nào chúng đã bỏ lại.

B. – Trở về! Ai mà muốn trở về đây? (Một lát.) Thế anh không có gọi người ta đấy chứ? (Một lát.) Không có la làng lên? (Một lát.) Không chứ gì?

A. – Anh không để ý sao?

B. – Ồ ta, anh biết đấy, để ý… Ta ở đấy, trong chỗ ta ẩn núp, ngồi trong tối, hai mươi ba giờ trên hai mươi bốn giờ. (Hung hăng.) Anh muốn ta để ý cái gì đây? (Một lát.) Anh tưởng chúng ta như thế là có thể thuận hòa với nhau, khi mà giờ đây anh đã bắt đầu hiểu ta?

A. – Thịt bò muối, anh bảo thế à?

B. – Thực ra, từ đó anh đã sống bằng cái gì? Anh hẳn là đã bị bỏ đói.

A. – Có những thứ tràn lan ra đấy.

B. – Ăn được?

A. – Đôi lúc.

B. – Tại sao anh không để cho mình chết quách đi?

A. – Nói chung thì ta còn may mắn. Ngày hôm nọ ta đã vấp trúng một bọc hồ đào.

B. – Đâu được!

A. – Một bọc nhỏ, đầy quả hồ đào, giữa đường đi.

B. – Vâng, được rồi, thế nhưng tại sao anh không để cho mình chết quách đi?

A. – Thì ta đã có nghĩ đến chuyện ấy.

B (nổi cáu). – Nhưng anh không làm như thế!

A. – Ta không đến nỗi bất hạnh lắm. (Một lát.) Cái bất hạnh của ta lúc nào cũng là vậy, bất hạnh, nhưng không bất hạnh lắm.

B. – Nhưng mỗi ngày anh hẳn là phải bất hạnh hơn một chút chứ.

A (hung hăng). – Ta không bất hạnh đủ!

Một lát.

B. – Với ta, thì chúng ta sinh ra để đồng tình với nhau.

A (khoác một cử chỉ theo đường vòng). – Thế thì bây giờ nó trông ra sao rồi?

B. – Ồ ta, anh biết đấy… Ta không bao giờ đi xa, chỉ đi lui đi tới một chút trước cửa. Đây đúng là lần đầu tiên ta đẩy đến đây.

A. – Nhưng anh nhìn chung quanh đấy chứ?

B. – Không không.

A. – Sau bao nhiêu ấy giờ trong bóng tối mà anh không –

B (hung hăng). – Không! (Một lát.) Tất nhiên, nếu anh muốn ta nhìn chung quanh ta thì ta sẽ nhìn. Và nếu anh muốn đưa ta đi dạo, ta sẽ thử tả cảnh cho anh, đi đến đâu tả đến đấy.

A. – Anh muốn bảo là anh sẽ hướng dẫn cho ta? Ta sẽ không lạc đường?

B. – Hoàn toàn đúng. Ta sẽ bảo anh, Từ từ chứ Billy, chúng ta đang đi về phía một đống rác to tướng, anh quay trở lại đi và khi nào ta bảo thì hãy quẹo qua trái.

A. – Anh sẽ làm như thế!

B (thừa thắng xông lên). – Từ từ chứ, Billy, từ từ, ta trông thấy một cái hộp tròn giữa cái rãnh đàng kia, có thể là rau quả, hay những trái đậu tây.

A. – Đậu tây!

Một lát.

B. – Anh bắt đầu thích ta? (Một lát.) Hay đấy chỉ là ta tưởng tượng?

A. – Đậu tây! (Hắn đứng dậy, đặt chiếc vĩ cầm và cái vĩ đàn xuống chiếc ghế xếp và lần mò bước về phía chiếc ghế có tay dựa.) Anh đang ở đâu đấy?

B. – Ở đây nè, bạn thân của ta. (A nắm được chiếc ghế có tay dựa và bắt đầu đẩy nó một cách mù quáng.) Dừng lại!

A (vẫn đẩy chiếc ghế). – Dễ quá! Dễ quá!

B. – Dừng lại! (Hắn dùng cây sào đập phía sau mình. A buông chiếc ghế ra, bước lùi lại. Một lát. A lần mò tìm cách trở về chiếc ghế xếp của mình. Hắn đứng bất động, lạc bước.) Tha lỗi cho tôi! (Một lát.) Xin anh tha lỗi cho tôi, Billy!

A. – Ta đang ở đâu đây? (Một lát.) Lúc nãy ta ở đâu thế?

B. – Ta lại mất hắn nữa rồi. Hắn bắt đầu thích ta thế mà ta đã đánh hắn. Hắn sẽ bỏ ta đi, ta sẽ không bao giờ gặp lại hắn nữa. Ta sẽ không bao giờ gặp lại ai nữa. Chúng ta sẽ không bao giờ còn nghe được tiếng nói con người.

A. – Tiếng nói con người anh nghe thế chưa đủ sao? Lúc nào cũng vẫn những lời rên rỉ như thế, từ thuở nằm nôi cho tới lúc xuống mồ.

B (giọng than van). – Xin anh làm cho tôi cái gì đó trước khi đi nhé!

A. – Đấy! Anh nghe chưa? (Một lát. Giọng than van.) Ta không làm sao đi được! (Một lát.) Anh nghe chưa?

B. – Anh không đi được à?

A. – Ta không thể đi mà không đem theo đồ đạc của mình.

B. – Đồ đạc chúng nó làm gì được cho anh?

A. – Không làm gì cả.

B. – Và anh thì không thể đi nếu không đem chúng theo?

A. – Không. (Hắn lại bắt đầu lần mò, đứng bất động.) Rốt cuộc thế nào tôi cũng tìm ra chúng. (Một lát.) Hoặc bỏ chúng lại luôn.

Hắn lại bắt đầu lần mò.

B. – Anh hãy sắp xếp giùm cái chăn carô của tôi, bàn chân tôi thò ra ngoài lạnh rồi đây. (A bất động.) Ta cũng có thể tự làm lấy, nhưng như vậy thì sẽ quá lâu. (Một lát.) Làm giúp ta đi, Billy. (Một lát.) Sau đó ta sẽ có thể về nhà, chun vào cái xó cũ của mình mà nằm và sẽ tự bảo, Ta đã gặp con người ấy lần cuối cùng, ta đã đánh hắn và hắn thì đã giúp đỡ ta. (Một lát.) Sẽ tìm thấy năm ba chút tình rách tươm trong tim ta và sẽ chết giải hòa, với loại người như ta. (Một lát.) Anh thấy sao mà nhìn ta như thế ấy? (Một lát.) Bộ ta đã nói điều gì lẽ ra ta không nên nói sao? (Một lát.) Tâm hồn ta, trông nó giống cái gì vậy?

A vừa đi vừa lần mò về phía hắn.

A. – Anh hãy làm ra một tiếng động đi.

B làm ra một tiếng động. A lần mò, rồi bất động.

B. – Anh cũng không ngửi đựợc mùi sao?

A. – Ở đâu cũng cùng một mùi thôi. (Hắn chìa tay ra.) Ta có với tới tay của anh được không?

Hắn vẫn bất động, tay chìa ra.

B. – Hãy khoan đã, anh sẽ giúp ta mà không lấy gì lại sao? (Một lát.) Ta muốn nói là không điều kiện? (Một lát.) Trời ơi!

Một lát. Hắn nắm lấy tay A và kéo anh chàng về phía mình.

A. – Bàn chân anh?

B. – Sao cơ.

A. – Anh vừa bảo bàn chân anh?

B. – Nếu như ta biết được! (Một lát.) Vâng, bàn chân ta, bọc kín nó lại đi. (A cúi người lần mò.) Quì xuống, quì xuống, sẽ dễ cho anh hơn. (Hắn giúp anh chàng quì xuống đúng chỗ.) Đấy.

A (nổi cáu). – Buông tay ta ra chứ! Anh muốn ta giúp anh nhưng anh lại nắm chặt tay ta! (B buông hắn ra. A lục lọi trong tấm chăn carô.) Anh chỉ có một chân thôi sao?

B. – Có thế thôi.

A. – Thế chân kia?

B. – Nó mục, người ta cưa mất rồi.

A bọc kín bàn chân.

A. – Như thế này là tốt rồi.

B cúi người để xem.

B. – Chặt hơn chút xíu nữa. (A siết hơn nữa.) Hai bàn tay anh thật là tuyệt!

Một lát.

A (mò mẫm về phía ngực của B). – Toàn bộ cái còn lại là ở đây?

B. – Bây giờ anh có thể đứng dậy và có thể xin ta một ân huệ.

A. – Toàn bộ cái còn lại là ở đây?

B. – Cái còn lại? Người ta không có lấy đi cái gì khác hơn, nếu như cái anh muốn hỏi là cái đó.

Bàn tay của A, mò mẫm lên cao hơn, khi đến khuôn mặt, thì bất động.

A. – Mặt của anh đây sao?

B. – À vâng. (Một lát.) Chứ anh muốn nó ra sao bây giờ? (Những ngón tay của A dạo khắp, rồi bất động.) Cái này? Cục u của ta đấy.

A. – Màu đỏ?

B. – Tím. (A rút tay ra, vẫn quì như thế.) Hai bàn tay anh thật là tuyệt!

Một lát.

A. – Vẫn ban ngày?

B. – Ngày? (Hắn nhìn lên trời.) Có thể nói thế. (Hắn nhìn.) Không có chữ nào khác để gọi.

A. – Không phải sắp tối rồi sao?

B cúi xuống A, và lay người hắn.

B. – Nào, Billy, đứng dậy đi, anh bắt đầu làm ta khó chịu rồi.

A. – Không phải sắp đêm rồi sao?

B nhìn lên trời.

B. – Ngày… đêm… (Hắn nhìn.) Đôi khi ta thấy trái đất như đứng kẹt lại, một ngày không mặt trời, giữa mùa đông, trong cái âm u xám xịt của buổi tối. (Hắn cúi xuống A, lay người anh ta.) Nào, Billy, đứng dậy, anh bắt đầu làm ta lúng túng rồi.

A. – Anh có thấy cỏ ở đâu đó chứ?

B. – Ta không thấy cỏ.

A (hăng say). – Không có màu xanh ở đâu cả sao?

B. – Có một chút rêu. (Một lát. A khoanh tay trên tấm chăn carô và đặt đầu lên đó.) Trời hỡi! Anh không phải là sắp cầu nguyện đấy chứ!

A. – Không.

B. – Cũng không phải khóc chứ!

A. – Không. (Một lát.) Ta có thể cứ quì như thế này mãi mãi, đầu tựa lên hai đầu gối của một ông già.

B. – Một đầu gối. (Lay người hắn một cách hung bạo.) Đứng dậy đi chứ!

A (sửa lại dáng ngồi tốt hơn).- Êm ái quá! (B đẩy hắn ra một cách hung bạo. A té chổng gọng. Một lát.) Dora vẫn bảo ta, vào những ngày ta không kiếm được nhiều tiền, Ông với cái đàn hạc của ông! Tốt hơn ông nên bò càng mà dạo chơi, lấy mấy cái huy chương của bố ông mà ghim vào mông và một ống tiền đeo ở cổ. Ông với cái đàn hạc của ông! Ông cho mình là ai thế? Và bà ấy bắt ta ngủ dưới đất. (Một lát.) Ta cho mình là ai… (Một lát.) A cái này, ta không thể bao giờ… (Một lát. Hắn đứng dậy.) Không bao giờ có thể… (Hắn bắt đầu lần mò. Hắn bất động, lắng nghe. Một lát.) Nếu ta lắng nghe thật lâu thì ta có thể nghe được tiếng, một sợi dây đàn sẽ buông.

B. – Cái đàn hạc của anh? (Một lát.) Chuyện cái đàn hạc là chuyện gì nữa đây?

A. – Ngày xưa ta có một cây đàn hạc nhỏ. Anh câm miệng đi và hãy để ta lắng nghe.

Một lát.

B. – Anh sẽ cứ nghe như thế lâu nữa chứ gì?

A. – Ta sẽ cứ như thế này hàng giờ, lắng nghe mọi tiếng động.

Hai người lắng nghe.

B. – Những tiếng gì?

A. – Ta không còn biết đó là gì nữa.

Hai người lắng nghe.

B. – Ta thì ta nhìn ra nó rồi. (Một lát.) Ta thấy –

A (giọng khẩn khoản). – Anh không câm miệng được sao?

B. – Không! (A đưa hai bàn tay lên ôm đầu.) Ta thấy nó rồi, thấy rõ ở đàng kia kìa, trên cái ghế xếp. (Một lát.) Nếu ta lấy nó, Billy, và đem đi mất? (Một lát.)Này, Billy, anh nghĩ thế nào về chuyện ấy? (Một lát.) Một ngày kia, có thể sẽ có một lão già khác, ở đâu đó chun ra và bắt gặp anh đang chơi kèn acmônica. Và anh sẽ kể cho ổng nghe về cây vĩ cầm nhỏ ngày xưa anh từng có. (Một lát.) Hả, Billy? (Một lát.) Hoặc là bắt gặp anh đang hát. (Một lát.) Này, Billy, anh nghĩ thế nào về chuyện ấy? (Một lát.) Bắt gặp anh đứng đấy đang kêu quạ quạ trong gió mùa đông, bởi vì đã đánh mất cái kèn acmônica. (Hắn dùng cây sào đâm vào lưng anh ta.) Hả, Billy?

A quay người nhanh như cắt, nắm đầu cây sào và rứt nó ra khỏi tay của B.

 nguon:tienve.org

BƯỚC CHÂN – SAMUEL BACKETT

Filed under: KỊCH — nguyenthanhhien21 @ 21:00
 
người dịch : Hoàng Ngọc Biên
 
Bước chân [nhan đề nguyên tác tiếng Anh: Footfalls; tiếng Pháp: Pas] là một trong những vở kịch được xếp vào những tác phẩm hậu kỳ của Samuel Beckett, với một nhân vật duy nhất trên sân khấu là May tóc tai rối bù, quần áo tơi tả, đi qua đi lại, trong một khung cảnh tranh tối tranh sáng, lạnh lẽo – ngoài những tiếng bước chân gõ trên nền nhà mà cô gái “muốn nghe được”, chỉ có âm thanh một tiếng chuông nhỏ, và tiếng vọng lại của nó. Vở kịch mở ra với tiếng May gọi người mẹ đang hấp hối, và tiếng người mẹ vọng đến, từ trong bóng tối cuối sân khấu – nghe như tiếng vọng của một quá khứ đang được nhớ lại. Thời gian (quá khứ, hiện tại, và cả một cái gì có thể gọi là viễn ảnh) không tiến tới, nhưng cũng không đứng yên: Beckett giải thích về những bước đi của May trên sân khấu là như một cái máy đánh nhịp (métronome). Những độc thoại riêng (gọi là riêng, vì sự tách bạch rõ ràng đến độ người xem và nhiều nhà phê bình coi đó là những hồi của vở Bước chân) ở đây mang tính độc thoại nội tâm đã đành, và có khi nghe như tiếng nói bụng – ta, nó, tôi, người nghe – nhưng hơn thế còn chứa đựng những đối thoại – người mẹ, May, bà, người nghe, bà Winter, Amy (một đảo chữ của May)… Beckett viết Bước chân đặc biệt dành cho Billie Whitelaw diễn, nhưng hình như gửi gắm vào vở kịch không ít những mảnh đời của mình: một phụ nữ tên May (là tên gọi thân mật của mẹ ông trong gia đình nhà Beckett) nói với mẹ mình (không khí “ mẹ” trong vở kịch rất ăn khớp với bệnh hiểm nghèo cũng của mẹ ông), người mẹ nói với con với tiếng nói vọng từ trong bóng tối, nhắc lại những “kỷ niệm” thời thơ ấu của con gái, với chi tiết con gái bà thường đi lui đi tới trong nhà (gợi nhớ đến chứng mất ngủ của chính mẹ của tác giả), và muốn lột bỏ tấm thảm dày trên nền để có thể nghe được tiếng gõ của bước chân mình… Thế tuy nhiên, Bước chân còn được coi là một vở kịch rất ngắn với vô số những vấn đề chính xác: ngoài hình ảnh trung tâm (theo Beckett) là bước chân đi qua đi lại của May trên sân khấu, mọi thứ đều phải được thể hiện chính xác, từ chuyển động của ánh sáng, đến âm thanh, không gian, và sự im lặng… vẫn còn có điều gì đọng lại không chỉ nơi khán giả, mà cả nơi người diễn: người ta kể lại khi Beckett đạo diễn cho vở kịch ở London, có lần Billie Whitelaw (người được Beckett rất trọng nể về mặt nghề nghiệp) trong vai May hỏi ông: “Vậy thì có phải tôi đã chết?”, và Beckett: “Cứ hãy coi như cô… thật ra là không có mặt ở đấy.”
 

 

MAY (M): tóc xám rối tung, áo choàng tả tơi nhếch nhác, phủ kín hai bàn chân, kéo lê trên nền nhà.

GIỌNG ĐÀN BÀ (G.): cuối sân khấu, trong bóng tối.

Vùng đi lại trên sân khấu: mặt tiền sân khấu, song song với dàn đèn chiếu trước sân khấu, vòng đi dài [1] 9 bước chân, chiều rộng 1 mét, lệch về phía bên phải (nhìn từ khán giả).

Đi qua đi lại: bắt đầu bằng bàn chân phải (p) từ phải (P) qua trái (T), bằng bàn chân trái (t) từ T qua P.

Bước chân: nghe rõ, rất nhịp nhàng.

Vòng trở lại: qua trái bên T, qua phải bên P.

Lời thoại khi đi qua lại: như chỉ dẫn, đường vòng trở lại luôn là khoảng lặng.

Ánh sáng: yếu, lạnh. Đèn chỉ chiếu xuống vùng đi lại trên sân khấu và nhân vật, chiếu xuống sàn nhiều hơn xuống người, chiếu người nhiều hơn khuôn mặt. Điểm sáng yếu trên khuôn mặt những lúc dừng chân ở P và T. Cuối sân khấu bên trái, một tia sáng thẳng đứng (S) cao 3 mét.

Giọng nói: yếu, lối nói chậm.

Màn. Bóng tối. Tiếng chuông nhỏ và ngắn. Tiếng dội. Ánh sáng lên chậm, kể cả tia sáng S. M. xuất hiện đi những bước chậm về phía T. Đến T cô quay trở lại, bước qua lại ba vòng đi dài nữa, dừng lại đối diện với P.

Một lát.

M. – Mẹ. (Một lát. Giọng không lớn hơn.) Mẹ.

G. – Gì thế, May.

M. – Mẹ ngủ đấy chứ?

G. – Ngủ say. Trong khi ngủ say mẹ vẫn nghe con nói. Không giấc ngủ say nào có thể cản mẹ không nghe được con. (Một lát. M. bước đi trở lại. Bốn vòng đi dài. Đến vòng thứ nhì, [2] đồng bộ với bước chân.) Bảy tám chín ê hấp. (Đến vòng thứ ba, [3] cũng thế.) Bảy tám chín ê hấp. (Đến vòng thứ tư. [4]) Con không thử ngủ mộ tí xem sao?

M. dừng lại đối diện với P. Một lát.

M. – Mẹ có muốn con chích cho mẹ một mũi… nữa?

G. – Vâng, nhưng giờ hãy còn sớm quá.

Một lát.

M. – Mẹ có muốn con đổi phía nằm cho mẹ… lần nữa?

G. – Vâng, nhưng giờ hãy còn sớm quá.

Một lát.

M. – Muốn con vỗ cho thẳng mấy cái gối của mẹ? (Một lát.) Muốn con thay vải lót giường cho mẹ? (Một lát.) Muốn con đem cái chậu lại cho mẹ? (Một lát.) Cái lồng ấp chân? (Một lát.) Muốn con băng các vết thương của mẹ? (Một lát.) Muốn con kỳ cọ cho mẹ? (Một lát.) Muốn con tẩm ướt cái môi khô của mẹ? (Một lát.) Muốn con đọc kinh cầu với mẹ? (Một lát.) Cầu cho mẹ? (Một lát.) Còn nữa.

G. – Vâng, nhưng giờ hãy còn sớm quá.

Một lát. M. lại bước đi. Một vòng dài. Bất động đối diện với T. Một lát.

M. – Con bao nhiêu tuổi… rồi?

G. – Thế còn mẹ? (Một lát. Giọng không lớn hơn.) Thế còn mẹ?

M. – Chín mươi.

G. – Nhiều thế sao?

G. – Tám mươi chín, chín mươi.

G. – Mẹ sinh con muộn. (Một lát.) Khi sống. (Một lát.) Tha lỗi cho mẹ… lần nữa. (Một lát. Giọng không lớn hơn.) Tha lỗi cho mẹ… lần nữa.

Một lát.

M. – Con bao nhiêu tuổi… rồi?

G. – Độ bốn mươi.

M. – Thế thôi?

G. – Mẹ e là như thế. (Một lát. M. lại bước đi. Bốn vòng đi dài. Đến vòng thứ nhì.) May này. (Một lát. Giọng không lớn hơn.) May.

M. – (đến vòng thứ ba) Vâng, thưa mẹ.

G. – (đến vòng thứ ba) Liệu con sẽ không chấm dứt? (Đến vòng thứ tư.) Liệu con sẽ không thôi nhắc lui nhắc tới mãi chuyện ấy?

M. bất động đối diện với T.

M. – Chuyện ấy?

G. – Tất cả chuyện ấy. (Một lát.) Trong cái đầu khốn khổ của con. (Một lát.)  Tất cả chuyện ấy. (Một lát.) Tất cả chuyện ấy.

Một lát. M. lại bước đi. Một vòng đi dài. Đèn chiếu từ từ tắt, chỉ trừ tia sáng S. M. bất động ở P trong bóng tối.

Một lúc lâu.

Tiếng chuông hơi nhỏ. Tiếng dội. Ánh sáng trở lại hơi yếu hơn. M. bất động đối diện với P. Một lát.

G. – Bây giờ ta lảng vảng nơi này. (Một lát.) Nói đúng hơn, ta đến và ta trụ lại… đây. (Một lát.) Đêm đến. (Một lát.) Nó cứ tự tưởng tượng là cô đơn. (Một lát.) Hãy nhìn cái cách nó đứng yên, mặt dán sát vào tường. Cái nhìn chòng chọc! Vẻ trơ trơ bất động! (Một lát.) Nó không hề ra khỏi nhà từ thời con gái. (Một lát.) Không hề ra khỏi nhà từ thời con gái! (Một lát.) Nó đâu rồi, người ta có thể tự hỏi. (Một lát.) Thì là trong cái nhà ngày xưa đó, vẫn là cái nhà nơi nó khởi đầu. (Một lát.) Nơi câu chuyện bắt đầu. (Một lát.) Cả câu chuyện bắt đầu. (Một lát.) Nhưng chuyện này, chuyện này thì bắt đầu khi nào? (Một lát.) Cái thời mà những đứa bé gái khác vào tuổi nó đều ra đường, chơi cái… chơi cái trò thiên thần địa ngục, thì nó đã ở đây rồi. Chuyện này bắt đầu ở đây rồi. (Một lát.) Nền nhà nơi đây, ngày hôm nay trần trụi, xưa kia –. (M. bước đi. Bước đi hơi chậm hơn một chút. Bốn vòng đi dài. Đến vòng đầu tiên.) Nhưng chúng ta hãy ngắm cách thế của nó, trong im lặng. (Cuối vòng đi dài thứ hai.) Coi cái cách nó quay người lại lịch sự chưa! (Đến vòng thứ ba, đồng bộ với bước chân.) Bảy tám chín ê hấp! (M. bất động đối diện với P.) Vậy thì tôi bảo là nền nhà nơi đây, ngày hôm nay trần trụi, xưa kia có lát thảm, bằng thứ len dạ rất êm. Cho đến ngày, đúng ra là đêm, cho đến cái đêm, vừa bước ra khỏi tuổi thơ, nó gọi mẹ nó và bảo với mẹ, Mẹ này, như thế này là không đủ. Người mẹ: Không đủ? May – tên thánh của đứa con – May: Không đủ. Người mẹ: Con nói không đủ, May, thế nghĩa là sao? May: Con muốn nói, thưa mẹ, con muốn nói là con cần nghe được tiếng bước chân gõ xuống nền nhà, cho dù tiếng có nhỏ đến mấy. Người mẹ: Thế cử động thôi như thế không đủ sao? May: Không, thưa mẹ, cử động thôi như thế là không đủ, con cần nghe được tiếng bước chân gõ xuống nền nhà, cho dù tiếng có nhỏ đến mấy. (Một lát. M. lại bước đi. Sáu vòng đi dài. Đến vòng thứ hai.) Không biết nó còn ngủ không, người ta có thể tự hỏi. (Đến vòng thứ ba.) Vâng, có nhiều đêm, nó ngủ một chút, dựa cái đầu khốn khổ vào tường và ngủ một chút. (Đến vòng thứ tư.) Vẫn nói? Vâng, có nhiều đêm, khi nó nghĩ không còn ai nghe nữa. (Đến vòng thứ năm.) Nó kể chuyện như thế nào, tìm cách kể chuyện xảy như thế nào. Hết mọi chuyện. (Bắt đầu vòng thứ sáu.) Hết mọi chuyện.

Ánh đèn tắt chậm, trừ tia sáng S. M. bất động ở P trong tối.

Một lúc lâu.

Tiếng chuông còn nhỏ hơn nữa. Tiếng dội.

Ánh đèn trở lại còn yếu hơn nữa. 

M. bất động đối diện với P. Một lát.

M. – Phần kết. (Một lát. Cô bước đi. Bước chân hơi chậm hơn. Hai vòng đi dài. Bất động đối diện với P. Một lát.) Phần kết. Ít thời gian sau, khi người ta đã hoàn toàn quên bà, bà bắt đầu –. (Một lát.) Ít thời gian sau, đến khi tuồng như bà chưa bao giờ hiện hữu, chưa bao giờ có chuyện ấy, bà bắt đầu đi lảng vảng. (Một lát.) Đêm đến. (Một lát.) Lẻn ra ngoài, khi đêm đến, và trong ngôi nhà thờ nhỏ, qua cánh cửa ở hướng bắc, lúc nào vào giờ ấy cũng khóa kín, và đi lảng vảng, đi lui đi tới, đi lui đi tới, dài theo cánh tay cứu rỗi khốn khổ. (Một lát.) Có những đêm bà đứng im, như một người bị lạnh cóng do đầu óc rét run, và không động đậy, cho tới một lúc sau mới nhúc nhích trở lại. Nhưng cũng có nhiều đêm bà đi liên tu bất tận, đi lui rồi lại đi tới, đi lui rồi lại đi tới, trước khi biến mất y như khi bà xuất hiện. (Một lát.) Không một tiếng vang. (Một lát.) Không một tiếng gì khả dĩ nghe được. (Một lát.)  Hay một cái gì tương tự. (Một lát. Cô lại bước đi. Hai vòng đi dài. Bất động đối diện với P.) Một cái gì tương tự. Nhợt nhạt, mặc dù không nhìn thấy được chút nào, dưới ánh đèn chiếu. (Một lát.) Cho là có ánh đèn chiếu rõ. (Một lát.) Xám đúng hơn là trắng, xám trắng. (Một lát.) Áo quần rách tả tơi. (Một lát.) Một mớ áo quần tả tơi. (Một lát.) Một mớ nhợt nhạt áo quần xám trắng rách tả tơi. (Một lát.) Hãy nhìn bà đi ngang qua trước cây nến nhiều ngọn kia, xem những ngọn lửa kia, ánh sáng của chúng, trông như con trăng lấp ló phủ sau màn hơi. (Một lát.) Đấy bà kia kìa, vừa đi qua, đang lảng vảng, đi lui đi tới, đi lui đi tới, dài theo cánh tay khốn khổ kia. (Một lát.) Đêm đến. (Một lát.) Nói vậy nghĩa là, vào những mùa nào đó trong năm, vào giờ cầu kinh chiều. (Một lát.) Nhất thiết phải thế. (Một lát. Cô lại bước đi. Một vòng đi dài. Bất động đối diện với T. Một lát.) Bà cụ già Winter, mà bạn đọc sẽ nhớ, bà cụ già Winter, vào một tối chủ nhật cuối thu, ngồi vào bàn ăn với con gái cụ khi đi lễ về, sau mấy miếng nhấm nháp không hứng thú bèn đặt dao nĩa lên bàn và cúi đầu xuống. Có chuyện gì thế, mẹ, cô con gái nói, một thiếu nữ rất kỳ lạ, nói đúng thì cũng không hoàn toàn còn trẻ… (giọng đứt quãng)… bất hạnh một cách kinh kh –… (Một lát. Giọng bình thường.) Có chuyện gì thế, thưa mẹ, bộ mẹ không còn cảm thấy mình là mình nữa? (Một lát.) Bà W. không trả lời ngay tức thì. Nhưng rốt cuộc bà ngẩng đầu lên, nhìn thẳng vào Amy – tên thánh của đứa bé, như bạn đọc sẽ nhớ – ngẩng đầu lên, nhìn thẳng Amy vào sâu tận mắt và nói – (một lát) – và thì thầm, nhìn thẳng Amy vào sâu tận mắt và thì thầm, Amy. (Một lát. Giọng không lớn hơn.) Amy. (Một lát.) Amy: Vâng, thưa mẹ. Bà W.: Amy, con có để ý thấy có gì … lạ trong những buổi cầu kinh chiều hôm? Amy: Không, thưa mẹ, không thấy gì. Bà W.: Có lẽ chỉ là ta tưởng tượng. Amy: Thế cái mà có lẽ mẹ chỉ tưởng tượng, mẹ ơi, cái ấy đúng ra là cái gì vậy? (Một lát.) Cái gì… lạ mà có lẽ mẹ chỉ tưởng tượng là đã nhận ra, thưa mẹ, cái đó đúng ra là cái gì vậy? (Một lát.) Bà W.: Chính con con không nhận ra có cái gì… lạ sao? Amy: Không, thưa mẹ, chính con con không nhận ra gì cả, nói bớt đi là thế. Bà W.: Con bảo thế nghĩa là thế nào, Amy, nói bớt đi là thế, coi kìa, con bảo thế có thể là nghĩa thế nào, nói bớt đi là thế? Amy: Thưa mẹ, con muốn nói là, khi nói là con không nhận ra có gì… là thật sự con đã nói bớt đi. Bởi vì con không nhận ra bất cứ thứ gì, không gì lạ cũng không gì khác. Con không nhìn thấy gì, không nghe thấy gì, bất cứ thứ gi. Con không có mặt ở đó. Bà W.: Không ở đó à? Amy: Không có ở đó. Bà W.: Nhưng mẹ nghe tiếng con trả lời. (Một lát.) Mẹ nghe tiếng con nói: Amen. (Một lát.) Làm sao con có thể trả lời nếu con không có mặt ở đó? (Một lát.) Làm sao con có thể nói: Amen nếu, như con khẳng định, con không có mặt ở đó? (Một lát. Giọng đọc kinh.) Tình thương của Chúa Trời, và sự hiệp thông của Chúa Thánh thần, xin ở cùng chúng con, bây giờ, và mãi mãi. Amen. Một lát. Giọng bình thường. Mẹ đã nghe con nói, nghe rõ ràng. (Một lát. Cô lại bước đi. Một vòng đi dài. Sau năm bước, bất động ngó nghiêng. Một lúc lâu. Cô lại bước đi. Bất động đối diện với P. Một lúc lâu.) Amy. (Một lát. Giọng không lớn hơn.) Amy. (Một lát.) Vâng, thưa mẹ. (Một lát.) Liệu con sẽ không chấm dứt? (Một lát.) Liệu con sẽ không thôi nhắc lui nhắc tới mãi chuyện ấy? (Một lát.) Chuyện ấy? (Một lát.) Tất cả chuyện ấy. (Một lát.) Trong cái đầu khốn khổ của con. (Một lát.) Tất cả chuyện ấy. (Một lát.) Tất cả chuyện ấy.

Một lát. Ánh đèn tắt chậm, trừ S..

Tối đen.

Một lúc lâu.

Tiếng chuông vẫn hơi yếu hơn. Tiếng dội.

Đèn trở lại còn yếu hơn nữa.

Không một dấu vết của May. 10 giây. Đèn tắt chậm, kể cả S. Tối đen.

Màn hạ.

 
Samuel Beckett đạo diễn vở Footfalls tại Nhà hát Royal Court Theatre ở London 20 tháng Năm 1976 với Billie Whitelaw trong vai May, và vở Pas tại Théâtre d’Orsay, Paris năm 1978, với Delphine Seyric trong vai May. [Nguồn: Enoch Brater, Why Beckett (Thames and Hudson, 1989), và Samuel Beckett, Pas – suivi de quatre esquisses Les Éditions de Minuit, 1978)].

 

——
Dịch từ nguyên tác Pas trong Samuel Beckett, Pas – suivi de quatre esquisses (Les Éditions de Minuit, 1978). Vở kịch ngắn này Beckett viết bằng tiếng Anh, khởi sự từ tháng Ba 1975 và hoàn tất khoảng tháng 11 cùng năm ấy. Bản tiếng Anh Footfalls được Grove Press, New York, xuất bản năm 1976, và được đưa lên sân khấu lần đầu ở nhà hát Royal Cort Theatre, London, ngày 20 tháng Năm 1976.

 

______

[1]“vòng đi dài” hay “vòng” dùng để chỉ đường đi từ bên này sân khấu qua bên kia sân khấu, giới hạn trong vùng nhân vật bước qua lại [đơn vị từ P sang T, hay ngược lại] tính theo [một] vòng đi hoặc [một] vòng về – không có nghĩa vừa đi vừa về.

[2]Có nghĩa sau vòng thứ nhất.

[3]Có nghĩa sau vòng thứ hai.

[4]Có nghĩa sau vòng thứ ba. Các vòng khác đều suy ra theo này.

nguon:tienve.org

ĐỘC THOẠI – SAMUEL BACKETT

Filed under: KỊCH — nguyenthanhhien21 @ 20:55
Lời người dịch:
Một vở kịch mà mỗi lời thoại là một câu thơ, một bài thơ đầy âm nhạc, hình ảnh, chân lý, để trích dẫn. Với chút hài hước đen, kiểu Beckett, ta có thể coi Độc thoạinhư một thứ âm bản của Đi tìm thời gian đã mất, được cô đọng cắt tỉa tối đa. Không phải trọn cuộc đời với nhiều tình tiết, mà chỉ một đêm, hay chỉ một ngày biểu trưng trong đời một nhân vật độc nhất — những tác phẩm tiền vệ dọn đường cho nghệ thuật ý niệm và nghệ thuật sắp đặt. Mà hơn thế nữa, một thứ “kịch trong kịch” do Shakespeare sáng chế đầu tiên trong Romeo and Juliet. Âm bản, vì Độc thoại và vài tác phẩm khác của Beckett, hiu quạnh và xám ngắt, chứ không huy hoàng và đông đúc như Proust. Âm bản, cũng vì một đêm, hay một ngày trong cuộc đời đó có thể in ra nhiều bản giống nhau, nhân lên bất tận để làm thành, để tạo tác / dàn dựng một cuộc đời, mọi cuộc đời, những cuộc đời nhìn chung và nhìn gần tuy khác mà hệt, tuy hệt mà khác, nếu không tương tợ thì cũng tương đương. Beckett và Proust và là hai nhà văn độc sáng, tỉ mỉ, vĩ đại. Proust vĩ đại trong cái hoành tráng của giai cấp quí phái và thượng lưu đã về chiều, tỉ mẩn trong sự phân tích những tình cảm tâm lý phức tạp. Beckett vĩ đại trong các bức tiểu họa thể hiện những cảm nghĩ tầm thường, bình thường, thông thường của mỗi chúng ta, của cả nhân loại có thể đã sắp tới ngày tàn cuộc. Nếu cái thế giới của Proust nay chỉ còn là vang bóng thì ngược lại cái vũ trụ của Beckett vẫn còn đấy, vẫn ở cạnh ta, từng phút, từng giờ.
 
Nguyễn Đăng Thường

  

Màn mở.

Ánh sáng rất mờ.

Người xướng đọc đứng gần mép ngoài sân khấu hơi lệch về mé tay trái nhìn từ phía khán giả.

Tóc bạc và rối, áo ngủ “bao bố” trắng dài quá gối, vớ trắng dày.

Cách hai mét phía bên tay trái của y, cùng một chiều cao và ngang tầm, là một cây đèn dầu, bằng cỡ một chiếc sọ người, toả ánh sáng mờ.

Phía bên tay phải và ngang tầm là cái mép chõng màu trắng.

Một thời gian lâu trước khi nói.

Một thời gian ngắn trước khi lời nói chấm dứt, ngọn đèn bắt đầu lu dần.

Đèn dầu tắt. Im lặng. Người xướng đọc, cái chụp đèn hình cầu, cái mép chõng, chỉ còn hiện ra lờ mờ thôi.

Một hồi lâu.

Tối.

NGƯỜI XƯỚNG ĐỌC

Đối với y sinh là tử. Vì vậy mà đã có cái nhếch mép của thây ma ngay từ lúc mới lọt lòng. Trên võng và trong nôi. Cú thất bại đầu tiên trên núm vú. Trong những bước chân chập chững trẻ thơ. Trên vòng tay mẹ sang cánh tay chị vú và ngược lại. Như những chuyến viễn du. Đông Tây Nam Bắc. Như vậy và như thế. Mãi mãi vẫn là cái nhếch mép đó. Từ cái đám tang này qua cái đám ma nọ. Cho tới bây giờ. Hai tỉ rưỡi giây. Không thể tin rằng đã có quá ít như vậy. Đám ma của ? y suýt bảo là của những người thân. Ba chục ngàn đêm. Không thể tin rằng đã có quá ít như thế. Ra đời đúng vào cái giờ phút tối tăm nhất của đêm. Mặt trời lặn đã lâu đằng sau rặng tùng. Những chồi xanh mới. Trong căn buồng bóng tối lan tràn. Đến cụm sáng của cây đèn dầu. Tim đèn vặn nhỏ. Và từ đấy cho đến lúc này. Đêm nay. Thức dậy lúc đêm về. Từng đêm. Căn buồng trong ánh sáng mờ. Bí hiểm. Kỳ cục. Cửa sổ không ánh sáng. Không. Gần như là không. Nhưng không thể có những cái không. Bước dò dẫm tới khung cửa sổ đứng ngó trân ra ngoài xa. Một khoảng tối mênh mông không cựa quậy. Bước dò dẫm trở về chỗ cũ nơi mà y nghĩ đã có cây đèn trước khi nó phụt tắt. Cái nắm que diêm trong túi áo bên tay phải. Quẹt cây diêm vào mông như cha y đã dạy. Gỡ cái tán đèn hình cầu trắng đục xuống. Cây diêm phụt tắt. Quẹt thêm một cây diêm như vậy nữa. Gỡ cái ống khói trắng mờ cầm trên tay trái. Cây diêm phụt tắt. Quẹt thêm cây diêm thứ ba như vậy nữa rồi đốt cái tim đèn. Gắn cái ống thủy tinh vào lại. Cây diêm phụt tắt. Gắn cái tán đèn hình cầu vào lại. Vặn nhỏ tim đèn. Bước dang ra tới chỗ lằn ranh của ánh sáng đứng quay mặt vào vách. Như vậy từng đêm. Đứng thẳng. Cửa sổ. Cây đèn. Bước dang ra tới chỗ lằn ranh của ánh sáng đứng quay mặt vào tấm vách trống. Tấm vách ngày xưa đã từng có những hình ảnh. Những tấm hình của ? y suýt bảo là của những người thân. Không khung. Không kính. Gắn trên tường bằng những cây đinh rệp. Hình đủ các kiểu ảnh đủ các cỡ. Rồi lần hồi bóc gỡ xuống hết. Hết trơn hết trụi. Xé vụn và vất bỏ. Khắp đó đây trên sàn nhà. Từng chiếc từng chiếc. Rứt ra và xé nhỏ. Suốt bao năm tháng. Năm tháng của đêm. Trên vách nay chẳng còn gì ngoài những cái đinh rệp. Không phải cả lũ đinh rệp. Vài ba chiếc đã rơi rớt theo hình. Dăm ba chiếc còn giữ lại mãi một vụn giấy. Đứng quay mặt vào vách. Chết dần. Không hơn không kém. Không. Không hẳn đúng. Có kém. Có bớt. Mỗi ngày đã có chết ít hơn. Luôn luôn đã có ít hơn. Như ánh sáng lúc ngày tàn. Đứng đó ngó vào vách. Những diện tích trắng trong bóng tối. Đã từng trắng. Lốm đốm những cái đầu đinh rệp. Những khoảng trống nơi đã từng có một khuôn mặt. Thầy đã ở đây. Ở cái chỗ xám này. Bu đã ở đó. Ở cái chỗ xám đó. Thầy mẹ đã ở chỗ kia. Bên nhau. Mỉm cười. Trong ngày cưới. Và cả ba đã ở cái chỗ xám kia nữa. Và một mình y tại cái chỗ xám này. Một mình y thôi. Bây giờ thì đã hết rồi. Đã khuất. Đã xa. Đã quên. Rứt ra và xé nát. Thả cho bay xuống đất. Quét tấp vô gầm giường. Muôn ngàn mảnh vụn trong bụi bậm và lưới nhện dưới gậm giường. Tất cả những ? y suýt bảo là những người thân. Đứng quay mặt vào vách như vậy và ngó trân ra ngoài xa. Ở cái ch ?a xăm đó cũng chẳng có gì cả. Không có cựa quậy ở cái chỗ đó. Không có gì để ngó ở cái chỗ đó. Không có gì để nghe ở cái chỗ đó. Căn buồng ngày xưa đầy những âm thanh. Những tiếng động nho nhỏ. Bí hiểm. Kỳ cục. Càng ngày càng nhỏ dần theo năm tháng. Theo đêm tối. Nay không còn nữa. Không. Nhưng không thể có những cái không. Mưa đêm vẫn thỉnh thoảng tới quất vào mặt kính. Hay chỉ rơi lất phất xuống miền dưới. Ngọn đèn vẫn tỏa khói dù vặn thật nhỏ. Bí hiểm. Kỳ cục. Khói tỏa từ những cái lỗ con con trên cái tán đèn hình cầu. Từng đêm từng đêm những vết khói nám trên cái trần nhà thấp. Những vết bẩn không có hình thù rõ rệt trên cái nền trắng. Đã từng trắng. Đứng quay mặt vào vách như vậy sau khi làm những động tác như đã kể. Nghĩa là thức dậy lúc đêm về mang vớ và khoác thêm áo ngoài. Không. Không đúng hẳn. Vì y đã khoác áo đã mang vớ rồi. Đã khoác áo và đã mang vớ suốt đêm. Trọn ngày. Ngày đêm. Đêm ngày. Thức dậy lúc đêm về khoác áo mang vớ và bước dò dẫm đến bên khung cửa sổ. Căn buồng trong ánh sáng mờ. Mờ nhạt khôn tả. Bí hiểm. Kỳ cục. Bất động y đứng ngó trân ra ngoài xa. Một khoảng tối mênh mông. Không có gì cả. Không có cựa quậy. Không có gì để ngó. Không có gì để nghe. Cứ đứng trân đó như không thể nhúc nhích được. Như không muốn nhúc nhích nữa. Như không thể muốn nhúc nhích được nữa. Rồi quay người lại và bước dò dẫm trở về chỗ cũ nơi mà y nghĩ đã có cây đèn trước khi nó phụt tắt. Cây diêm đầu tiên như đã kể cho cái tán đèn hình cầu. Cây diêm thứ hai cho cái ống khói. Cây diêm thứ ba cho cái tim đèn. Ống khói và tán đèn hình cầu gắn vào lại. Tim đèn vặn nhỏ. Bước dang ra tới chỗ lằn ranh của ánh sáng đứng quay mặt vào vách. Bất động như cây đèn bên cạnh mình. Áo ngủ trắng và vớ trắng để bắt ánh sáng mờ. Đã từng trắng. Mái tóc trắng để bắt ánh sáng mờ. Chân của cái chõng hiện ra lờ mờ nơi khoé mắt. Đã từng trắng để bắt ánh sáng yếu ớt. Bất động đứng ngó trân ra ngoài xa. Không có gì cả. Một khoảng trống đen. Rồi dần dà cũng thấy xuất hiện một chiếc bóng. Hiện ra trong bóng tối. Một khung cửa sổ. Nhìn về hướng mặt trời lặn. Mặt trời lặn đã lâu đằng sau rặng tùng. Ánh sáng hấp hối. Rồi tắt hẳn. Không. Ánh sáng không thể tắt hẳn. Thiên đường không trăng sao. Ánh sáng hấp hối nhưng vẫn chưa chết cho tới sáng. Trong bóng đêm vẫn còn cái khung cửa sổ đó. Đêm xuống. Chậm chạp. Con mắt dán lên khung kính nhìn vào cái đêm đầu tiên đó. Rồi quay nhìn lại căn buồng trong bóng tối. Một bàn tay chợt hiện ra. Cầm một miếng giấy bẻ vặn để mồi lửa. Trong ánh lửa đó có một bàn tay và cái tán đèn trắng đục hình cầu. Rồi một bàn tay thứ hai. Trong ánh lửa. Bàn tay gỡ tán đèn hình cầu xuống rồi biến mất. Rồi tái xuất hiện nhưng không còn cầm tán đèn hình cầu. Gỡ ống khói xuống. Hai bàn tay với cái tán đèn hình cầu trong ánh lửa. Miếng giấy bẻ vặn vẹo để mồi lửa vào tim đèn. Gắn cái ống khói vào lại. Bàn tay cầm mồi lửa vụt biến mất. Bàn tay thứ hai cũng biến mất luôn. Cái ống thủy tinh mờ trong bóng mờ. Bàn tay tái xuất hiện với cái tán đèn hình cầu. Gắn cái tán đèn hình cầu vào lại. Cái tán đèn hình cầu mờ trong bóng mờ. Thanh giƊờng bằng đồng long lanh trong ánh sáng. Hình ảnh bỗng xoá nhoà. Đứng nơi lằn ranh của ánh sáng và ngó trân ra ngoài xa. Toàn đen một lần nữa. Không còn khung cửa sổ. Không còn những bàn tay. Không còn cây đèn. Không còn gì cả. Cho đến lúc màn đêm xé toạc. Ánh sáng xám. Mưa tầm tã. Những chiếc ô đen xung quanh một lỗ huyệt. Từ trên cao nhìn xuống. Lỗ huyệt phía dưới. Nước mưa cuồn cuộn trong bùn đen. Lỗ huyệt còn trống. Chờ ai dưới ấy. Một người ? y suýt bảo là một người thân. Ba mươi giây. Để cộng thêm vào hai tỉ rưỡi. Hình ảnh bỗng xoá nhoà. Toàn đen một lần nữa. Không. Không thể có những cái trọn vẹn. Đứng ngó trân ra ngoài xa như vậy và chỉ nghe được thấp thoáng những lời mình nói. Những chữ rơi từ cửa miệng xuống. Tiếng được tiếng mất. Màn đêm xé toạc. Khung cửa sổ dần dần hiện ra. Cái đêm đầu tiên. Căn buồng. Ngọn lửa. Những bàn tay. Cây đèn. Ánh sáng. Hình ảnh bỗng xoá nhoà. Khuất xa. Màn đêm xé toạc. Ánh sáng xám. Cơn mưa tầm tã. Những chiếc ô đen. Cái lỗ huyệt. Bùn đen cuồn cuộn. Cỗ quan tài còn ở ngoài tầm nhìn. Của ai? Hình ảnh bỗng xoá nhoà. Khuất xa. Thôi hãy bắt sang chuyện khác. Thử xem. Như chuyện đứng cách xa tấm vách mấy bước chẳng hạn. Cái đầu gần đụng vào. Như chuyện khung cửa sổ chẳng hạn. Con mắt dán vào khung kính ngó trân ra ngoài xa. Một khoảng tối mênh mông. Không cựa quậy. Bất động y đứng ngó trân nó như không thể nhúc nhích được. Như y đã đánh mất luôn cái ý chí còn muốn cử động tay chân. Đánh mất hết cả rồi. Y đâu rồi? Ở nơi cửa sổ đứng ngó trân ra ngoài xa. Con mắt dán vào khung kính. Như để nhìn một lần cuối cùng. Rồi quay người lại và bước dò dẫm trong bóng tối lạ lùng trở lại chỗ có cây đèn vô hình. Chiếc áo ngủ trắng lướt đi trong bóng tối. Đã từng trắng. Đốt đèn và bước dang ra đứng quay mặt vào vách. Cái đầu gần đụng vào. Xuyên qua cái màn đêm đã xé toạc y nhìn vào cái bóng tối kia. Cái bóng tối kia ở phía bên kia. Mặt trời lặn đã lâu đằng sau rặng tùng. Không cựa quậy. Dù chỉ tí thôi. Thân hình bất động mắt dán vào khung kính. Như để nhìn một lần chót. Nhìn một lần cuối cùng cái đêm đầu tiên ấy. Của vài ba chục ngàn. Rồi cũng sẽ nhập luôn vào đó. Rồi cũng sẽ là cái đêm tối đó. Ngọn lửa. Bàn tay. Cây đèn. Cái tán đèn hình cầu mờ trong ánh sáng mờ. Ánh sáng màu đồng. Ba mươi giây. Để cộng thêm vào hai tỉ rưỡi. Hình ảnh bỗng xoá nhoà. Khuất xa. Toàn đen một lần nữa. Cho đến cỗ quan tài của ai? Của một người ? y suýt bảo là của một người thân. Cái lỗ đen dưới cơn mưa tầm tã. Từ trên cao nhìn xuống. Những bọt nước cuồn cuộn. Bùn đen sôi sục. Cái quan tài đã lên đường. Một người thân ? y suýt bảo là một người thân đã ra đi. Ba mươi giây. Hình ảnh bỗng xoá nhoà. Khuất xa. Toàn đen một lần nữa. Cái đầu gần đụng vào vách. Mái tóc trắng bắt ánh sáng. Áo ngủ trắng và vớ trắng. Đã từng trắng. Mép chõng trắng nơi mép nhìn. Đã từng trắng. Một tí… hụt hẫng và vầng trán tựa vào vách. Nhưng không. Bất động đầu ngẩng y ngó trân ra ngoài xa. Không cựa quậy. Dù chỉ tí thôi. Ba mươi đêm ma tận ngoài xa. Ánh sáng ma. Đêm ma. Đám tang ma. Những người thân ? y suýt bảo những người thân ma. Ở chỗ đó như vậy đứng ngó trân vào cái khoኣng trống đen. Trên đôi môi run rẩy dăm ba tiếng bập bẹ. Bàn luận về những vấn đề khác. Thử bàn bạc về những vấn đề khác. Như vậy cho tới khi chẳng còn những vấn đề khác nữa. Nhưng chẳng hề có những vấn đề khác. Chẳng bao giờ có tới hai vấn đề. Luôn luôn chỉ có một vấn đề đó thôi. Những người chết đã ra đi vĩnh viễn rồi. Những kẻ hấp hối cũng đang ra đi. Cuộc đời mà họ đã ngắm ngó qua những sự cố đó. Từ cái chữ ra đi. Từ cái tiếng vĩnh viễn. Như cái ánh sáng trong lúc này. Nó cũng sắp sửa ra đi. Trong căn buồng. Đâu còn chỗ nào khác. Con mắt chẳng biết rằng nó đã ở phía bên kia rồi. Chỉ còn ánh sáng của cái tán đèn hình cầu. Chứ không phải cái ánh sáng kia đâu. Cái ánh sáng không biết đã từ đâu tới. Từ cái không đâu. Từ khắp mọi nơi của cái không đâu. Chỉ còn ánh sáng của cái tán đèn hình cầu. Chỉ còn một mình nó rồi cũng khuất xa luôn.

———–
Nguyễn Đăng Thường dịch theo bản tiếng Pháp, Solo, trong tuyển tập kịch ngắn của Samuel Beckett, Catastrophes et autres dramaticules (Paris: Les Éditions de Minuit, 1986), do chính tác giả phóng tác từ bản tiếng Anh, A Piece of Monologue, viết cho David Warrilow vào năm 1979. David Warrilow trình diễn lần đầu tiên tại rạp La Mama Theater, New York, ngày 14 tháng Chạp 1979. Nhà xuất bản Faber and Faber, London, in lần đầu tiên năm 1982.

Create a free website or blog at WordPress.com.